Sim So Dep , Sim Phong Thuy
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Gia cảnh nghèo khó của những cựu binh Trường Sa

Go down

Gia cảnh nghèo khó của những cựu binh Trường Sa Empty Gia cảnh nghèo khó của những cựu binh Trường Sa

Bài gửi  chilaemthoi Sat Jul 27, 2013 7:51 am

Đằng sau quá khứ hào hùng trong trận hải chiến Gạc Ma của những cựu binh Trường Sa là cuộc sống thực tại nặng gánh áo cơm. Trở về đoàn viên, người bán gạo ở chợ, người làm phụ hồ, thậm chí thất nghiệp…
Thương binh hạng 1/4, hỏng mắt trái, giờ đây cựu binh Nguyễn Văn Thống đã có mái ấm với người vợ đảm đang và hai cậu con trai khôn lớn. "Lúc được phía Trung Quốc thả tự do, tôi định vào trại ở với những người cùng cảnh ngộ. Cũng may người con gái vốn quen nhau từ nhỏ không chê mà bằng lòng làm vợ", ông Thống nói, bà Phạm Thị Thuyết nhìn chồng nhoẻn miệng cười.



Vợ chồng cựu binh Thống với cửa hàng nhỏ bán gạo kiếm sống qua ngày ở chợ Nhân Trạch (Quảng Bình). Ảnh: Nguyễn Đông

Ngồi lọt thỏm trong cửa hàng tạp hóa tạm bợ chỉ có chút ánh sáng từ cửa dọi vào, ông Thống bảo ngày xuất ngũ được địa phương cấp cho miếng đất ở chợ, rồi vay mượn anh em cất tạm căn nhà, hai vợ chồng bán gạo mưu sinh, lương thương binh để dành mua thuốc men. "Có gia đình, vất vả, nhưng còn sức lo cho vợ con cũng thấy mình sống đời có ích", người cựu binh chia sẻ.

Nhưng hàng quán nhiều khi cũng ế. Mới đây ông góp chút tiền cùng người em cất ngôi nhà tạm gọi là khang trang trong con ngõ nhỏ để có chỗ đi về, tránh bão. Hai người con trai tốt nghiệp THPT chưa xin được việc làm. "Nhiều khi đi mua thuốc, thấy nhiều tiền quá lại quay về", ông Thống thật thà.

Theo ông, cùng ở xã Tây Trạch, huyện Bố Trạch này, người đồng đội là ông Dương Đình Lê mới qua đời vì bệnh tật, để lại người vợ cùng ba đứa con trong cảnh nghèo khó. Gia cảnh của cựu binh Lê Văn Đông cũng không khá hơn. Còn đồng đội Mai Xuân Hải vì quá nghèo nên sớm phải cho các con nghỉ học, vợ phải làm nghề tiều phu lấy tiền mua thuốc cho chồng. Mới đây, ông Hải được nhà hảo tâm giúp tiền cất được căn nhà. 

Ba năm nay, cựu binh Trần Thiên Phụng (Quảng Trị) mở quán bún ngay trong khoảng sân trước căn nhà mượn tạm của bố mẹ. Con đường Kim Đồng nhỏ hẹp, bụi mù khiến hàng quán vắng khách. Ông Phụng nói rằng cuộc sống hai vợ chồng dựa cả vào nồi bún. Với chế độ thương binh hạng 4/4, mỗi tháng ông được lĩnh hơn 700 nghìn đồng. Vợ ông bị bệnh tiểu đường, người mẹ già ông đang phụng dưỡng nằm liệt giường 4 năm nay. 



Ông Trần Thiên Phụng dọn dẹp nhà cửa tại gian hàng bún trong sân nhà ở tạm của bố mẹ. Ảnh: Nguyễn Đông

Bà Lê Thị Thiên, vợ ông Phụng, tâm sự rằng, gia đình đang nợ ngân hàng hơn 100 triệu đồng, dù nghèo khó nhưng hai vợ chồng vẫn quyết tâm nuôi con gái thứ hai học cao đẳng và cô con gái út đang học cấp 3. "Những lúc trái gió trở trời, anh Phụng đau đớn nhưng nhiều khi cố dấu vợ con, sợ phải nằm viện lại tốn kém. Biết anh ấy may mắn hơn 64 đồng đội cùng chiến đấu ở Gạc Ma, gia đình tự động viên nhau", người vợ bộc bạch.

Từ ngày được Trung Quốc thả tự do, cựu binh Dương Văn Dũng (TP Đà Nẵng) cũng chật vật kiếm sống. Sau khi nhà cũ bị giải tỏa, ông cùng vợ và ba con sang dựng tạm căn nhà ở phường Hòa Xuân (quận Cẩm Lệ). Ngày ngày, ông làm nghề phụ hồ, đồng lương cũng bấp bênh theo thời tiết và cơ thể thường xuyên đau ốm. Vợ ông bòn nhặt ít vốn đi buôn thúng bán bưng nuôi ba con ăn học.

Được các nhà hảo tâm giúp đỡ, ông vay mượn thêm và dành hết số tiền đền bù để cất căn nhà tạm trong con hẻm nhỏ. Nhà xây chưa xong, cậu con trai cả vừa học xong THPT qua đời do tai nạn giao thông. Ông Dũng suy sụp. "Nó là cháu đích tôn của dòng họ, nhà cũng được mình nó là con trai, nghĩ sẽ có chỗ nương tựa lúc về già. Nhưng mà số phận nghiệt ngã quá…", ông kể.

Gắng gượng sau nỗi đau với tâm niệm "cuộc chiến năm xưa trước hòm tên, mũi đạn không giết nổi mình, hà cớ gì phải gục ngã", ông Dũng quay lại với nghề phụ hồ, quần quật cùng vợ đang mắc bệnh ung bướu lo làm nhà và trả nợ. Tháng 5/2013, ông may mắn được CLB Doanh nhân Đà Nẵng tặng sổ tiết kiệm trị giá 5 triệu đồng. "Năm nay các anh em liệt sĩ cũng được Ban liên lạc Trường Sa thành phố làm giúp bức ảnh thờ trong trang phục Hải quân nhân dân Việt Nam, tôi cũng vui lây", ông Dũng nói.



Ông Dũng vẫn ngày ngày theo nghề phụ hồ kiếm sống. Ảnh: Nguyễn Đông

Còn nhớ lần gặp cựu binh Lê Hữu Thảo, lính thủy đánh bộ trở về từ "Vòng tròn bất tử" trên đảo Gạc Ma và đưa thi thể trung úy Nguyễn Văn Phương cùng nhiều chiến sĩ bị thương trong trận hải chiến về đảo Sinh Tồn, trong dịp gặp mặt lính Trường Sa ngày 14/3/2013 ở Đà Nẵng, anh kể rằng mình đang thất nghiệp, sống độc thân vì sợ lấy vợ sẽ làm gánh nặng cho người phụ nữ.

Khi biết thông tin có cuộc gặp mặt, giao lưu với cựu binh Trường Sa ở Đà Nẵng, anh nóng lòng muốn vào dự nhưng ngặt lỗi không đủ tiền tàu xe. Được một số anh em báo chí kết nối và cộng đồng mạng giúp đỡ, lần gặp mặt ấy, Anh hùng LLVTND Nguyễn Văn Lanh chỉ biết ôm chầm lấy anh Thảo nhận ân nhân. Cả hai bật khóc khiến nhiều người chứng kiến không cầm được nước mắt. Đó cũng là lần đầu tiên sau 25 năm, anh Thảo xuất hiện trước công chúng.

Trước lúc gặp mặt đồng đội cũ, anh ghé Quảng Bình thực hiện được tâm nguyện thắp nén hương trước mộ trung úy Trần Văn Phương. Gặp mẹ liệt sĩ Phương, anh Thảo bật khóc gọi mẹ. "Con thiệt có lỗi, Hà Tĩnh với Quảng Bình có xa mô mà ngần ấy năm con mới gặp được mẹ". Khi từ Đà Nẵng trở về, anh ghé lại thăm mộ trung úy Phương, thắp hương cho 10 đồng đội khác ở Hà Tĩnh và Nghệ An.

Quê ở Hương Thủy (Hương Khê, Hà Tĩnh), sau khi giải ngũ năm 1988, anh Thảo không được nhận đến một tấm bằng khen. Ít lâu sau, anh được ưu tiên đi xuất khẩu lao động ở Đức. Làm nghề thợ mộc, thợ đổ bê tông kiếm sống ở trời Âu một thời gian, công việc bấp bênh, anh hồi hương với hai bàn tay trắng rồi đi dọc Bắc chí Nam làm đủ nghề từ coi công trình thủy điện ở Quảng Nam đến quản lý khai thác ở than ở Quảng Ninh…



Cựu binh Lê Hữu Thảo say xưa kể về "Vòng tròn bất tử" trong dịp gặp mặt cựu binh Trường Sa ngày 14/3/2013. Hiện anh vẫn độc thân và đi làm thuê. Ảnh: Nguyễn Đông

Đồng lương ít ỏi, nhiều khi anh Thảo phải vay mượn người thân để cho công nhân ứng tiền ăn, ở. Khi công ty phá sản, anh đành gánh lấy nợ lần. "Vừa qua, nhờ các tấm lòng hảo tâm giúp đỡ, tôi có được số tiền hơn 20 triệu đồng để trả nợ", anh Thảo nói và cho biết anh về lại Hà Tĩnh, tiếp tục thuê nhà trọ ở thành phố để đi làm thuê, sống nhờ sự đùm bọc của bạn bè trong xóm trọ nghèo, nhiều hôm không dám về nhà trọ vì đến hạn trả tiền phòng, thậm chí không đủ tiền mua mớ rau hay gói mì tôm.

Anh Thảo luôn tự động viên bản thân phải gắng lao động bằng sức lực bản thân để không trở thành gánh nặng của xã hội. Trong thâm tâm người cựu binh đã 48 tuổi xuân le lói ước vọng: "Nếu được nhập khẩu vào thành phố Hà Tĩnh, mua được một miếng đất giá nhà nước để cất tạm căn nhà có chỗ đi ra đi vào, tôi  sẽ cưới vợ và dành quãng thời gian còn lại để đi tìm gặp đồng đội, thắp nén nhang trên mộ những người đã ngã xuống ở Gạc Ma".

Nguyễn Đông

chilaemthoi

Tổng số bài gửi : 2108
Join date : 09/07/2013

Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang

- Similar topics

 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết