Sim So Dep , Sim Phong Thuy
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Bố đạp xích lô, mẹ quét chợ nuôi hai con đại học

Go down

Bố đạp xích lô, mẹ quét chợ nuôi hai con đại học Empty Bố đạp xích lô, mẹ quét chợ nuôi hai con đại học

Bài gửi  chilaemthoi Fri Oct 04, 2013 11:51 am

Mỗi khi đi học về, út Thủy lại cầm chổi ra chợ quét cùng mẹ. Nhiều năm qua, nhờ cây chổi lao công này của mẹ Nga và chiếc xích lô của bố Chất, cô gái trẻ mới có điều kiện học hành và thi đậu đại học.  
Trong căn phòng chật hẹp 9 m2 ở gần Học viện Tài chính (Hà Nội), hai chị em Lê Thị Thảo, Lê Thị Thủy (quê Hải Dương) đang chuẩn bị ăn tối. Thủy đã nấu cơm xong, cố đợi chị gái đi làm về rồi mới chịu ăn. Mâm cơm chỉ vỏn vẹn một quả trứng rán mặn và bát canh nhưng cả hai ăn ngon lành.

Cô tân sinh viên khoa Kế toán Học viện Tài chính cười bảo: "Sinh viên ăn trứng cho rẻ". Nghe em gái nói, Thảo đang bưng bát cơm bỗng nhòe nước mắt. Từ đầu tuần tới giờ, hai chị em hết tiền nên thực đơn quanh quẩn chỉ một bó rau và hai quả trứng chia đôi cho cả ngày. Thảo thừ người: "Ở quê, chắc giờ bố mẹ ăn cơm cũng chỉ có vậy thôi".




Mỗi khi có khách gọi, chiếc xích lô cũ ở góc nhà lại được ông bà mang ra chở hàng. Ảnh: Hoàng Phương.


Trong căn nhà nằm sâu ở ngõ 12, khu dân cư số 1, phường Quang Trung (Hải Dương), ông Lê Văn Chất (71 tuổi) và bà Đoàn Thị Nga (61 tuổi) ngồi giở lại những tấm ảnh và bằng khen của hai cô con gái cho khuây khỏa nỗi nhớ. Riêng giấy khen của Thủy đã được một tập dày cầm nặng tay. Giấy khen của Thảo, ông Chất đã gói ghém cẩn thận, cất kỹ cùng những giấy tờ quan trọng khác trong nhà.

Có người quen gọi, ông vội xếp những thứ đồ linh tinh ra khỏi xích lô để chuẩn bị đi chở hàng. Bà Nga phụ giúp chồng đẩy chiếc xe nặng nề vẫn dựng ở góc nhà. Chiếc xích lô cũ kỹ, mua với giá 2 triệu đồng cách đây 18 năm là tài sản quý giá của cả nhà, giúp hai cô con gái vào đại học.

Ông bà cưới nhau muộn, hơn chục năm sau mới sinh được Thảo và Thủy. Trước đây, vợ chồng ông Chất là xã viên không lương của hợp tác xã sản xuất giấy, bìa Hải Dương. Năm 1995, hợp tác xã giải thể, cả hai ông bà thất nghiệp. Ông Chất chuyển qua đạp xích lô chở hàng còn bà Nga thì đi quét rác ở chợ. Ai thuê việc gì ông bà cũng làm, thậm chí là đi móc cống, chỉ mong nuôi được Thảo và Thủy ăn học nên người.

Buổi sáng, ông Chất thường dựng xe ở bến Tam Giang cách nhà gần 1 km, chờ ai thuê chở vật liệu thì đi. Mỗi ngày, ông Chất thu nhập vài chục nghìn đồng, hôm nào trời mưa thì được ít hơn. Bà Nga đi quét chợ mỗi tháng được trả lương hơn 500.000 đồng. Vợ chồng ông tằn tiện từ thu nhập đạp xích lô và quét rác cũng đủ tiền sinh hoạt. Chị em Thảo, Thủy đi học đều phải vay vốn ngân hàng. Ngôi nhà gia đình đang ở được xây năm 2008, từ số tiền ủng hộ của chính quyền địa phương và giúp đỡ của họ hàng.

Tuổi thơ của chị em Thảo và Thủy gắn liền với chiếc xích lô của bố và cây chổi lao công của mẹ. Mỗi dịp khai trường, khi các bạn khác được mua bóng bay thì hai chị em được bố tự tay làm cho hai lá cờ đỏ sao vàng để tham gia diễu hành. Người đàn ông mướt mồ hôi, cười hiền hậu vừa đạp xích lô, vừa nhìn hai cô con gái ngồi trên chiếc đệm cũ kỹ, ríu rít như đôi chim nhỏ.




Chiếc xích lô nuôi sống gia đình ông Chất 18 năm qua. Ảnh: Hoàng Phương.


Sau này, con gái đi học trên Hà Nội, ông Chất đều mang xích lô ra ga tàu đón mỗi lần Thảo về thăm nhà. Cô con gái lớn không muốn ngồi xe vì sợ bố đạp vất vả nhưng ông vẫn bắt Thảo ngồi lên để ông chở. "Nhiều hàng, nhiều người nặng hơn còn đi được. Chở con gái là niềm vui nhất trong đời rồi", người cha tâm sự.

Đối với Thủy, mỗi lần đi học về, em chỉ kịp thay bộ đồng phục rồi cầm cây chổi lẽo đẽo đi theo mẹ ra chợ quét rác. Có khi không kịp thay quần áo, Thủy mặc nguyên đồng phục rồi cứ thế mà đi. Quét xong, em lại vội về ăn cơm rồi chuẩn bị đi học buổi chiều. Thủy bảo thích nhất là thi thoảng cuối tuần, chị Thảo về thăm quê, hai chị em vác theo hai cây chổi đi quét thay mẹ. Hôm đó, bà Nga sẽ được nghỉ ngơi cả ngày.

"Mỗi lần quét chợ, có nhiều ánh mắt hướng về em. Có ánh mắt thông cảm, có người thương hại, có cả người coi thường nữa. Nhưng điều đó lại khiến hai chị em có động lực học để mai kia họ không thể nhìn mình với ánh mắt đó nữa", cô gái 18 tuổi có đôi mắt to tròn nhớ lại.

Những tưởng hai vợ chồng có thể yên ổn làm lụng, lo cho hai cô con gái học xong đại học thì bà Nga phát hiện bị ung thư vú. Khi đó, Thảo học năm thứ hai đại học còn Thủy mới bước chân vào lớp 11. Căn bệnh khiến người mẹ phải lên Hà Nội nằm điều trị tại Bệnh viện K. Tháng 6/2011, bà Nga phẫu thuật cắt bỏ ngực phải. Thời gian bà nằm viện là những ngày dài Thảo cùng mẹ ăn cháo từ thiện để sống qua ngày. Ở quê, ông Chất cùng con gái út thay nhau đi quét chợ để giữ công việc, lấy tiền trang trải cuộc sống hằng ngày.

Cảnh nhà túng bấn, Thủy có ý định nghỉ học nhưng bố mẹ em gạt phắt đi, bảo dù thế nào cũng phải học tiếp. "Ngẫm đời mình mà nghĩ đến con cái. Đời công nhân kéo xe bò chở rơm, xe giấy bìa của hợp tác xã đi phơi thấy cực nhọc lắm. Con gái giỏi giang, phải cố cho nó học để không thua kém người ta", bà Nga giãi bày.




Món quà chị em Thảo, Thủy dành cho cha mẹ chính là những giấy khen học sinh giỏi nhiều năm liền. Ảnh: Hoàng Phương.


Mái tóc người phụ nữ 61 tuổi bạc trắng vì hóa chất điều trị. Sức khỏe giảm sút buộc bà không thể cầm chổi nữa, phải nghỉ việc ở nhà uống thuốc điều trị ung thư. Căn bệnh vôi hóa cột sống khiến ông Chất đau lưng triền miên, đi lại phải chống gậy. Chiếc gậy bằng thanh tre đã cũ, một đầu dán miếng cao su cho khỏi trượt ngã. Giờ ông không còn dựng xích lô ở bến mà để nó ở góc nhà, thi thoảng có khách quen gọi ông mới đi chở hàng kiếm vài chục cải thiện bữa ăn.

Chị em Thảo, Thủy lớn lên nhờ những giọt mồ hôi thấm đẫm áo của cha mẹ, với chiếc bánh mì chia đôi, tấm áo trắng luân phiên nhau mặc đến trường. Cả hai đều là học sinh giỏi có tiếng của trường THPT Hồng Quan (TP Hải Dương). Thảo từng thi đỗ Học viện Tài chính với số điểm 28,5, còn Thủy cũng giành điểm cao không kém chị.

Suốt bốn năm đại học, Thảo luôn giành học bổng của trường. Em vừa tốt nghiệp loại xuất sắc, chuyên ngành Tài chính doanh nghiệp của Học viện Tài chính. Giờ Thảo là nhân viên cho một công ty kế toán, hưởng lương học việc, 1,5 triệu đồng một tháng.

Thảo tâm sự, một thời gian nữa em mới được nhận chính thức vào làm. Tuy vất vả nhưng em vui vì được đi làm, có thể trang trải được phần nào cuộc sống. Tiền vay vốn ngân hàng để cho em Thủy nộp học và gửi về quê để mẹ đi lấy thuốc. Tiền sinh hoạt của hai chị em do Thảo đảm nhận. Ban ngày đi làm, buổi tối Thảo tranh thủ đi gia sư Văn và Toán, mỗi tháng kiếm được khoảng 800.000 đồng. Có hôm gần 23h vẫn chưa thấy chị gái về, Thủy lo lắng mượn xe đạp đi đón thì thấy Thảo đang đi bộ về vì hết xe buýt.

"Khi nhận lương gia sư, cảm giác như được hồi sinh ấy chị ạ. Bởi khi đó, hai chị em sẽ được tạm thời quên đi nỗi lo về tiền bạc mà vững tâm học và làm", Thảo cười, khoe chiếc răng duyên. Thủy cũng đang chờ ổn định việc học rồi tính chuyện đi gia sư như chị nhưng chưa tìm được mối.



Hai chị em Thảo và Thủy trong ngày tốt nghiệp của Thảo. Ảnh: NVCC.

Không chỉ chăm sóc cho em, Thảo cũng luôn lo lắng cho mẹ. Cô chị cả ước mơ làm đủ tiền để mẹ chữa bệnh. Bởi hàng tháng, bà Nga vẫn phải lên Hà Nội lấy thuốc điều trị ung thư.

Ông Đồng Tiến Dũng, trưởng Khu dân cư số 1, phường Quang Trung cho biết, gia đình ông Chất, bà Nga thuộc diện hộ nghèo nhiều năm nay. Khi xây xong nhà đại đoàn kết, khu phố mỗi người ủng hộ một ít vật dụng trong nhà. "Dù nghèo nhưng ông bà có hai cô con gái học giỏi, ngoan ngoãn là niềm mơ ước của nhiều gia đình khác", ông Dũng nói.


Nhật ký của Thủy viết:

Tuổi thơ con nghèo, chiếc áo trắng đã sờn rách, chị em luân phiên nhau mặc đến trường. Con thức trắng đêm học bài, vì biết đó là con đường duy nhất giúp gia đình mình thoát nghèo. Ai đó không ở trong hoàn cảnh của chúng ta, họ không hiểu được... Ông trời bắt tội thì mình phải chịu. Nhưng chị em con quyết không đầu hàng số phận đâu...

Hãy cho mẹ con được sống, để con được nhìn thấy mẹ hàng ngày và có cơ hội phụng dưỡng, chăm sóc khi bố mẹ già. Con sẽ gắng đi làm, chắt chiu để có tiền cho bố đi khám lưng, mẹ chữa bệnh ung thư và cho em gái đi học. Dù con biết, trước mặt là chông gai, nhưng phía sau con luôn có một điểm tựa, đó là gia đình...


Hoàng Phương

chilaemthoi

Tổng số bài gửi : 2108
Join date : 09/07/2013

Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang

- Similar topics

 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết